Hệ quả Biểu_tình_Tây_Nguyên_2004

Người Thượng tại Tây Nguyên

Tính đến tháng 1 năm 2005, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thống kê khoảng 770 người Thượng xin tị nạn tại Phnôm Pênh thuộc Campuchia (296 người được công nhận, 126 người bị từ chối, còn lại đang chờ quyết định), nhiều người Thượng được công nhận tị nạn nhưng từ chối tái định cư sang nước thứ ba và muốn ở lại Campuchia.[33] Tính đến năm 2006, 561 người Thượng tái định cư sang nước thứ ba (Hoa Kỳ, Canada), 163 người Thượng bị trục xuất về Việt Nam, 26 người ở lại Campuchia.[123] Theo báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2009 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hơn 100 người Thượng tham gia biểu tình năm 2001 và năm 2004 tại Tây Nguyên được thả tự do trong năm 2009, trong đó có 11 người Thượng được thả vào đợt ân xá nhân dịp Ngày Quốc Khánh.[124] Đài Á Châu Tự Do cho biết khoảng 200 người Thượng tại Tây Nguyên vẫn bị giam giữ đến năm 2018 vì tham gia biểu tình trong thập niên 2000 và đa số đều không có người thăm.[74] Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương tại Học viện Hành chính, tỷ lệ người dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên có xu hướng giảm do tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khá cao và tỷ lệ di dân tự phát từ nơi khác đến rất cao, dẫn đến nạn phá rừng và mua bán đất đai cùng nhiều vấn đề môi trường, di cư tự phát đến Tây Nguyên khiến quy hoạch phát triển kinh tế vùng bị phá vỡ.[10] Năm 2018, Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc đề xuất chính phủ Việt Nam đầu tư hỗ trợ các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm giảm di dân tự phát đến Tây Nguyên, vùng dân cư khó khăn nên tái định cư theo quyết định193/2006/QĐ-TTg, quy hoạch lại di dân cư trú tại Tây Nguyên theo Quyết định 193.[17]

Chính phủ Việt Nam

Tháng 7 năm 2004, Cục An ninh Tây Nguyên (thuộc Tổng cục An ninh II–Bộ Công an) được thành lập, mục tiêu nhằm chống âm mưu diễn biến hoà bình và bạo loạn lật đổ.[125][126] Thủ tướng Phan Văn Khải ban hành Quyết định 134, cam kết cung cấp cho mỗi hộ gia đình dân tộc thiểu số thu nhập thấp ở Tây Nguyên từ 0,15 đến 0,5 ha đất nông nghiệp hoặc ít nhất 200 mét vuông đất ở. Tiếp theo, chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ tạm đình chỉ di cư người dân miền xuôi đến Tây Nguyên và đồng thời làm chậm tốc độ di cư "tự phát" đến khu vực. Đầu năm 2005, 1.200 nhà thờ Tin Lành của người dân tộc thiểu số đã được phê duyệt để đăng ký chính thức và mở lại.[73][118] Tháng 5 năm 2005, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận, nội dung đưa ra một số cam kết phát triển và bảo vệ tự do tôn giáo tại Việt Nam.[116] Tính đến tháng 7 năm 2005 tại Đắk Lắk, vận động được 210 người hoạt động FULRO ra tự thú và vô hiệu hóa 613 người.[1] Lực lượng an ninh phát hiện 824 cơ sở ngầm của FULRO vào năm 2003 (349 cơ sở tại Đắk Lắk, 363 cơ sở tại Gia Lai, 65 cơ sở tại Kon Tum, 47 cơ sở tại Lâm Đồng), bắt giữ 2.800 người từ năm 2001 đến năm 2005, chính quyền địa phương đã đưa 1.000 người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép trở về.[29] Thực hiện Chỉ thị 16/2004/CT-TTg do Thủ tướng Việt Nam ban hành vào ngày 1 tháng 5 năm 2004, hơn 10.700 người được cảm hóa và hơn 20.000 người dân từ bỏ Tin lành Đêga.[127] Tháng 3 năm 2009, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Anh thông cáo tham nhũng tại Tây Nguyên bị phát giác phần lớn nhờ quá trình thanh tra và tố cáo của nhân dân cùng với phản ánh từ báo chí. Báo cáo năm 2008 thống kê Gia Lai xử lý 41 công chức sai phạm với thiệt hại hơn 7,6 tỷ đồng, Kon Tum xử lý 6 công chức sai phạm với thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng.[128] Theo tổng điều tra dân số năm 2009, vùng Đông Nam Bộ chính thức vượt qua Tây Nguyên về số lượng di dân nhập cư, nguyên nhân do Đông Nam Bộ có nhiều khu công nghiệp và thu hút số lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).[18]

Ngày 15 tháng 5 năm 2012, xét xử vụ án tham nhũng về khai thác gỗ khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn 1998–2006 với thiệt hại hơn 12.530 tỷ đồng tại doanh nghiệp nhà nước Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên, Tổng Công ty Lâm sản Việt Nam (cơ quan quản lý công ty) nhận kiểm điểm buông lỏng quản lý, tám công chức bị khởi tố.[129] Cùng năm 2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thi hành kỷ luật Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2004–2011 vì buông lỏng quản lý, đồng thời cách chức cựu Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phạm Dũng vì chiếm đoạt đất đai trái phép.[130] Theo báo cáo năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về người dân tộc thiểu số thuộc tỉnh, mỗi hộ gia đình được cấp 400m², 40% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ nghèo được chăm lo khám chữa bệnh miễn phí, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.[17] Tại phiên họp Quốc hội Việt Nam tháng 7 năm 2016, đại biểu quốc hội Nguyễn Duy Hữu phản ánh thực trạng phá rừng lấy gỗ, khu rừng cuối cùng tại Vườn quốc gia Yok Đôn đang bị dự trù khai thác nhằm xây thủy điện; đồng thời cảm thán "cứu lấy mảnh rừng cuối cùng của Tây Nguyên, giữ lại những giá trị của Tây Nguyên hùng vĩ".[131] Ngày 17 tháng 7 năm 2020, cựu chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Lạng cho rằng "không buông lỏng quản lý nhưng nếu quá chặt chẽ thì không ai đến đầu tư" và đề xuất chính sách quản lý theo hướng thành phố thông minh. Phó Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Sỹ Thanh cho rằng khu vực "khoác lên mình chiếc áo giáp khá dày", trong khi Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Bình cho biết khu vực bị "nhà đầu tư trong nước không mặn mà nhưng nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền vào" và quyết định từ chối vì "những điểm trọng yếu liên quan đến quốc phòng an ninh".[89]

Chính phủ Campuchia

Ngày 16 tháng 2 năm 2010, chính phủ Campuchia chính thức đóng cửa trại tị nạn người Thượng tại Phnôm Pênh, chính phủ Việt Nam tiếp nhận 10 người dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo thỏa thuận ba bên Campuchia–Việt Nam–Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ký kết ngày 25 tháng 1 năm 2005 trước đó.[132][133][134] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga thông cáo chính thức "nhà nước Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế–xã hội ở các vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao chính phủ Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và UNHCR trong thời gian qua để tích cực giải quyết số người trong trại tạm cư trên cơ sở MOU 3 bên ký ngày 25 tháng 1 năm 2005, đóng cửa trại tạm cư đúng thời hạn mà Campuchia đã tuyên bố".[134][135] Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á Phil Robertson nói "điều bắt buộc là chính phủ Campuchia phải tuân thủ các thỏa thuận quốc tế và không đưa những người xin tị nạn đến nơi mà cuộc sống và tự do của họ sẽ gặp nguy hiểm", trong khi hiệp hội Cứu trợ Tị nạn Dòng Tên (Jesuit Refugee Service, JRS) ủng hộ việc đóng cửa trại tị nạn tại Campuchia vì cho rằng nó giống một trung tâm giam giữ–nơi những người tị nạn sống giống như tù nhân.[132] BBC cho biết trại tị nạn hiện còn 20 người Thượng tại Tây Nguyên vượt biên sang Campuchia: 10 người trong số đó được tị nạn sang nước thứ ba (Hoa Kỳ, Canada),[132][136] 10 người còn lại bị trục xuất về Việt Nam do không được chấp nhận quy chế tị nạn.[136][137] BBC dẫn lời nhà báo tự do Lý Định Phát nói "đối với xã hội [Campuchia] thì người ta cũng cảm thấy khó chịu khi mà có một số lượng người Việt, kể cả người Thượng chạy qua bên này xin tị nạn và kiếm sống, như vậy nó cũng gây xáo trộn một phần nào đó trong đời sống bình thường hàng ngày của người dân tại đây. Bây giờ nó kết thúc thì xã hội ở đây họ cũng cảm thấy đã qua một vấn đề".[137]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Biểu_tình_Tây_Nguyên_2004 http://www.nytimes.com/2001/05/05/nyregion/new-pro... http://www.mar.umd.edu/assessment.asp?groupId=8160... http://hrlibrary.umn.edu/research/vietnam/IGO-repo... http://www1.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_318... http://www.asianews.it/news-en/Fleeing-Montagnard-... http://www.asianews.it/news-en/Phnom-Penh-closes-a... http://www.vietnamhumanrights.net/website/bbc_4110... http://vietnamembassy-usa.org/vi/tin-tuc/2004/04/c... http://vietnamembassy-usa.org/vi/tin-tuc/2004/04/d... http://vietnamembassy-usa.org/vi/tin-tuc/2004/04/h...